CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ 60 NĂM NHÌN LẠI

PGS. TS. Nguyễn Đình Lê(*)

Ths. Hồ Thành Tâm(*)

 

Trong lịch sử chiến tranh thế giới cũng như Việt Nam, thông thường các cuộc chiến dù diễn ra dài ngắn khác nhau, nhưng đều phải trải qua một/một số trận quyết chiến chiến lược để định đoạt số phận của cuộc chiến. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô đánh bại quân xâm lược phát xít Đức cũng phải trải qua một số bước ngoặt như tại Stalingrad, Kursk, trận tấn công vào sào huyệt Berlin của phát xít Đức… Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm Việt Nam, đó là các trận đánh bại quân xâm lược Nguyên-Mông của vua tôi nhà Trần tại Bạch Đằng, của vua Quang Trung đại phá quân Thanh tại Thăng Long, hoặc trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam đó là các trận Điện Biên Phủ trên không (12-1972) và Đại thắng mùa xuân 1975… Việt Nam vốn là một nước nhỏ, đất không rộng, người không đông, thế nhưng lại luôn phải đối mặt với các đạo quân xâm lược của những đế chế sừng sỏ trên thế giới. Chiến lược sinh tồn của người Việt Nam do vậy không thể nào khác hơn chiến lược chiến tranh nhân dân[1], toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính.

Sau 9 năm kháng chiến (1946-1954), QĐNDVN đã nhanh chóng trưởng thành vượt bậc, cả về chất lẫn về lượng. Lực lượng vũ trang cách mạng lúc này không chỉ gồm bộ đội chủ lực mà đã phát triển hoàn thiện tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích). Đây cũng chính là hình ảnh của đội quân cách mạng đã đánh bại đế quốc Mỹ sừng sỏ sau này. Quá trình kháng chiến cũng chính là quá trình chuyển hóa dần lực lượng giữa hai bên mà theo đó, vùng giải phóng, trong thế tương phản với vùng tạm chiếm, ngày càng được mở rộng, đảm bảo cho đội quân cách mạng một hậu phương rộng lớn và vững chắc, cội nguồn sức mạnh của QĐNDVN[2]. Nếu như trước đó gần 1 thế kỷ, một tiểu đội lính Pháp có thể dễ dàng hạ một tòa thành lớn do quan quân triều Nguyễn trấn giữ, thì gần một thế kỷ sau, quân đội cách mạng Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành, bắt kịp nhịp điệu phát triển của thời đại. Đội quân đó không còn là “châu chấu đá xe” nữa, mà là biểu tượng của tinh thần đoàn kết chiến đấu của toàn dân tộc Việt Nam chống thực dân xâm lược, được tổ chức tập trung thành một đội quân bài bản, có kỷ luật thép với trang bị tương đối hiện đại, có một hậu phương nhân dân rộng lớn.

Đường lối kháng chiến của nhân dân Việt Nam ngay từ đầu đã được xác định là lâu dài, điều đó được quy định bởi tương quan so sánh sức mạnh quá chênh lệch giữa hai bên vào thời điểm cuộc chiến bùng nổ. Kháng chiến trường kỳ nhưng không phải kéo dài mãi mãi, bởi những người cộng sản không bao giờ muốn hy sinh vô ích xương máu của dân tộc. Đến một lúc thích hợp, khi thế và lực cách mạng đã tích lũy chín muồi qua năm tháng gian khổ của cuộc chiến, tất yếu cách mạng phải quyết đối đầu với quân xâm lược để định đoạt thắng bại, quyết định số phận của dân tộc và sự nghiệp cách mạng. Do vậy, việc Việt Minh và quân đội viễn chinh Pháp chạm trán nhau tại ĐBP là kết quả tất yếu của cục diện cuộc chiến Pháp-Việt.

Về phía người Pháp, khơi mào cuộc chiến tranh tái xâm lược Đông Dương sau khi vừa bước ra khỏi Thế chiến 2[3] với những thiệt hại vô cùng nặng nề, một mặt đã lộ rõ bản chất tham lam của chủ nghĩa đế quốc, mặt khác, chính họ cũng không lường hết những khó khăn to lớn khi phải đối mặt với người dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được của mình. Rõ ràng, người Pháp ý thức được những tai hại của việc kéo dài chiến tranh tại một chiến trường xa xôi như Việt Nam, cho nên xuyên suốt từ 1946-1947, các tướng lĩnh chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam luôn tìm cách tiêu diệt chính phủ của nước VNDCCH, tiêu diệt bộ máy lãnh đạo tối cao của cuộc kháng chiến cùng đội quân chủ lực Việt Minh nhằm kết thúc nhanh chiến tranh[4]. Nỗ lực lớn nhất của quân đội Pháp hòng “đánh nhanh thắng nhanh” là cuộc hành quân lên Việt Bắc thu đông 1947 nhằm “…truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ”[5]. Thất bại của chiến dịch Lea (tức chiến dịch Việt Bắc) lại gây ra hậu quả tai hại về mặt chiến lược: quân đội Pháp buộc phải từ bỏ lối chiến tranh tốc lực và phải chấp nhận cách đánh của đối phương[6]. Như vậy, kể từ 1947, về mặt chiến lược, quân đội Pháp đã rơi vào thế bị động trước đường lối chiến tranh nhân dân, lâu dài của VNDCCH. Giai đoạn từ 1947-1954 là giai đoạn đấu tranh giằng co quyết liệt, đồng thời cũng là quá trình chuyển hóa dần dần cán cân lực lượng giữa đôi bên: bị mắc kẹt vào thế trận chiến tranh nhân dân của đối phương, quân đội Pháp ngày càng đuối sức, bị tiêu hao, chính phủ Pháp ngày càng bất lực, kinh tế suy sụp, phong trào phản chiến của nhân dân trong nước và thế giới dâng cao… Trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ, nước Pháp vỡ mộng, buộc phải dựa vào Mỹ để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của mình. Đến lúc này, họ chỉ muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến hòng tìm kiếm lối thoát trong danh dự[7]. Chính vì vậy, chính phủ Pháp hạ quyết tâm chấp nhận một trận quyết chiến với Việt Minh.

Như vậy, một trận quyết chiến chiến lược giữa Việt Minh với quân đội Pháp vào năm 1954 là kết quả tất yếu mà cả hai bên đều mong muốn để kết thúc cuộc chiến. Và việc lựa chọn địa điểm cho trận quyết chiến chiến lược này, Điện Biên Phủ, lại đến hoàn toàn ngẫu nhiên.

Khi Henry Navarre sang nhậm chức tại Đông Dương, trong kế hoạch của mình, ông ta không hề nhắc đến Điện Biên Phủ. Trọng tâm của kế hoạch Navarre nhằm xây dựng khối chủ lực tập trung cơ động mạnh để từ đó giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính là đồng bằng Bắc bộ[8]. Đầu 1954, trên chiến trường Bắc bộ, Pháp đã tập trung được 108 tiểu đoàn, trong đó có 33 tiểu đoàn cơ động[9]. Tuy nhiên, bằng những đợt hoạt động nhỏ, gối đầu và song song từ đầu 1953 nhắm vào những hướng quan trọng mà đối phương tương đối sơ hở, QĐNDVN đã tìm được cách “điều” khối chủ lực quân Pháp phân tán đi khắp chiến trường Đông Dương[10]. Sau khi bị mất Lai Châu (tháng 12-1953), cánh cửa Tây Bắc và Thượng Lào bị xé toang buộc Navarre phải đưa quân lên Điện Biên Phủ, xây dựng nơi này thành tập đoàn cứ điểm. Từ một lòng chảo vô danh, heo hút, Điện Biên Phủ bỗng vụt trở thành địa điểm tập kết của mọi lực lượng đối kháng trong suốt 9 năm ròng rã để quyết định số phận của cuộc chiến tranh.

Trận Điện Biên Phủ là cuộc đọ sức quy mô lớn nhất, quyết liệt nhất giữa hai bên trong suốt 9 năm và tại đây, đội quân viễn chinh hùng mạnh của thực dân Pháp đã buộc phải đầu hàng vô điều kiện trước QĐNDVN. Về phía mình, sau 9 năm chiến đấu gian khổ, QĐNDVN đã từng bước trưởng thành vượt bậc, đủ sức đánh bại một đội quân xâm lược nhà nghề là quân đội Pháp. Trận Điện Biên Phủ, do đó, còn là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự của Việt Nam 1946-1954, thể hiện ở mấy điểm sau:

          Thứ nhất, đây là lần đầu tiên một số lượng lớn binh sĩ với quy mô biên chế đến cấp đại đoàn được huy động vào một chiến dịch. Trở lại thời điểm khi cuộc kháng chiến bùng nổ vào tháng 12-1946, quy mô của Vệ Quốc đoàn cao nhất chỉ đến cấp tiểu đoàn (5 tiểu đoàn với 2.515 người chiến đấu được), lại được chia nhỏ thành nhiều trung đội, đại đội phối hợp cùng du kích, công an tự vệ tổ chức tấn công đối phương trong các thành phố[11]. Trong quá trình chiến đấu, một số đơn vị được tập hợp lại và xây dựng thành Trung đoàn Thủ đô (tháng 1-1947), tuy nâng cấp về biên chế, nhưng về trình độ và trang bị lại chưa có gì khác biệt[12]. Trước khi bước vào chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947), lực lượng kháng chiến được phát triển thành 13 trung đoàn và 11 tiểu đoàn chủ lực[13], tuy nhiên tổ chức chiến đấu chỉ dừng lại ở cấp tiểu đoàn (tiểu đoàn tập trung) hoặc phân tán thành các đại đội tung về vùng địch hậu để phát động chiến tranh du kích (đại đội độc lập) trong bối cảnh bị động về chiến dịch (quân đội Pháp chủ động mở cuộc tấn công vào Việt Bắc, về phía QĐNDVN thì đó là loại hình chiến dịch phản công).

Giai đoạn 1948-1950 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích vùng địch hậu và từng bước xây dựng khối chủ lực mạnh của QĐNDVN. Tháng 5-1948, QĐNDVN có được những vị tướng đầu tiên, tháng 8-1949, đại đoàn 308, đơn vị chủ lực cấp chiến dịch đầu tiên, biên chế quân đội cao nhất trong kháng chiến chống Pháp, được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng về chất của QĐNDVN[14]. Chiến dịch Biên giới (thu đông 1950), lực lượng sử dụng về phía QĐNDVN tương đương 2 đại đoàn (2 trung đoàn và 2 tiểu đoàn)[15], là chiến dịch tiến công quy mô lớn lần đầu tiên do QĐNDVN tổ chức kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên xuất hiện lối đánh hiệp đồng binh chủng (dù ở trình độ thấp) giữa bộ binh và pháo binh (chủ yếu là pháo 60-75mm). Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi đánh dấu một bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

Sau những chiến dịch không thành công ở vùng đồng bằng từ sau năm 1950, chiến dịch Hòa Bình là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng gồm 4 đại đoàn (304, 308, 312 và 351)[16] tác chiến trong một phạm vi rộng 500km2. Phần lớn chiến sĩ đã được rèn luyện trong suốt quá trình kể từ 1946, sang 1950, với viện trợ vũ khí của Trung Quốc, các trung đoàn chủ lực đều được nâng cao về chất, đặc biệt ta đã xây dựng được một đại đoàn binh chủng đầu tiên, đại đoàn công pháo 351. Như vậy, lúc này QĐNDVN không chỉ gồm bộ binh đơn thuần mà đã có thể tác chiến hiệp đồng binh chủng với nhiều mức độ khác nhau. Trận tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất, hiệu quả nhất giữa bộ binh với pháo binh (gồm pháo mặt đất và pháo cao xạ) trong cuộc kháng chiến chống Pháp chính là chiến dịch ĐBP với lực lượng sử dụng lên đến 5 đại đoàn (304, 308, 312, 316 và 351), tổng quân số hơn 55.000. Đây chính là lực lượng tinh hoa của cả dân tộc Việt Nam, góp nhặt từng người con ưu tú đến từ mọi miền của Tổ quốc, trui rèn suốt 9 năm chiến đấu gian khổ, trưởng thành từng bước từ một đội quân du kích tiến lên chính quy, tương đối hiện đại.

          Thứ hai, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kế thừa và phát huy đến đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Do đặc thù của tình hình đất nước sau 1945, nước VNDCCH non trẻ ngay sau khi ra đời đã bị kẻ thù cô lập nhiều mặt, buộc phải “chiến đấu trong vòng vây” trong suốt mấy năm đầu của cuộc kháng chiến. Đội ngũ cán bộ quân sự của VNDCCH do vậy hầu hết đều chưa được đào tạo bài bản qua bất cứ trường lớp nào, trình độ tổ chức tác chiến và trang bị lý luận quân sự của QĐNDVN so với quân đội Pháp “là một khoảng cách có tính thời đại”. Ngoài những di sản quân sự kế thừa được từ truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông và những kinh nghiệm ít ỏi thu được từ cách mạng tháng Tám 1945, tất cả đều phải bắt đầu từ đầu, mò mẫm “vừa làm vừa học”. Thế nhưng đội quân chính nghĩa “từ nhân dân mà ra” chiến đấu vì độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ luôn có sức sáng tạo không ngờ, tự mình trưởng thành trong thực chiến, điều mà giới lý luận quân sự phương Tây không thể nào lý giải được[17].

Trong chiến dịch Việt Bắc 1947, do nhận thấy được sự chênh lệch về trình độ tác chiến giữa lực lượng hai bên, Bộ không dàn quân theo kiểu “mặt đối mặt” trực diện với quân Pháp, mà lại chủ trương phát động mạnh chiến tranh du kích trên toàn khu Việt Bắc và vùng địch hậu, quy mô tác chiến ở mức tiểu đoàn, thậm chí nhỏ hơn (đại đội, trung đội) với cách đánh chủ yếu là phục kích (“đánh nhỏ ăn chắc”). Để bù lại sức cơ động và hỏa lực so với đối thủ, QĐNDVN chiếm ưu thế về địa hình và yếu tố bất ngờ. Cho nên, những chiến thắng lớn trong chiến dịch này đều là những trận phục kích (trận đèo Bông Lau[18], đèo Giàng), tập kích (trận Phủ Thông) trên những địa hình hiểm trở, khiến quân Pháp khó phát huy được sức mạnh của bộ binh cơ giới và hỏa lực các loại. Như vậy, đến năm 1947, trình độ tác chiến của QĐNDVN chỉ đang ở mức đánh địch trong vận động, nơi địa hình hiểm trở, núi rừng[19]. Mặc dù là trận thử sức thứ hai với quân đội Pháp kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến, nhưng trong chiến dịch Việt Bắc 1947 đã dần hình thành nên một các mặt trận tác chiến dưới sự chỉ huy chung, thống nhất của Bộ, các hướng chiến dịch phối hợp lẫn nhau. Đó là một bước phát triển cao hơn so với trận đánh rời rạc hồi cuối tháng 12-1946 trong các thành phố[20].

Chiến dịch Biên giới thu đông 1950 cho thấy bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật quân sự của QĐNDVN. Điểm đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Biên giới thể hiện ở chỗ QĐNDVN đã biết chọn vị trí thích hợp (Đông Khê) để mở màn chiến dịch và nghệ thuật vây điểm diệt viện. Vị trí đó phải đảm bảo đủ quan trọng để khi bị tấn công buộc đối phương phải ứng cứu, tạo điều kiện cho QĐNDVN có điều kiện tấn công đối phương trong vận động, và cũng đảm bảo vừa sức bộ đội. Thay vì lựa chọn thị xã Cao Bằng[21] do hai tiểu đoàn Âu Phi phòng thủ, chúng ta đã chọn Đông Khê có vị trí nằm giữa thị xã Cao Bằng và Thất Khê. Lực lượng phòng thủ Đông Khê tương đương một tiểu đoàn (2 đại đội lê dương, 2 trung đội lính ngụy, 1 trung đội pháo 105mm) không thể chống cự nổi trước một đối phương đông gấp 9 lần (2 trung đoàn và 2 tiểu đoàn)[22]. Mặc dù phải gánh chịu nhiều tổn thất ngoài dự liệu, nhưng việc hạ cứ điểm Đông Khê chứng tỏ trình độ tác chiến công kiên của QĐNDVN đã được cải thiện đáng kể, hình thái phòng thủ bằng cứ điểm cấp tiểu đoàn có công sự vững chắc của quân đội Pháp đã tỏ ra không trụ được trước sức tấn công của các đơn vị chủ lực ngày càng lớn mạnh của ta. Việc tập trung ưu thế binh hỏa lực áp đảo đối phương trong trận mở màn chiến dịch về sau sẽ còn tiếp tục được phát huy trong trận ĐBP. Nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Biên giới, đánh điểm diệt viện[23], là một sở trường của QĐNDVN mỗi khi phải đối mặt với đối thủ mạnh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ về sau như Bình Giã (1964), Plei Me-Ia Đrăng (1965)…

Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12-1951 đến tháng 1-1952) là lần đầu tiên QĐNDVN chạm trán với kiểu tác chiến tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp[24]. Trải qua quá trình chiến đấu, hình thái “chiến tranh đồn binh” kiểu tập đoàn cứ điểm dần dần hình thành và là hình thái tác chiến cao nhất, cuối cùng của quân đội Pháp đối phó với các hoạt động của QĐNDVN trên địa bàn rừng núi. Cho đến trước 1954, trình độ tác chiến của QĐNDVN chỉ có thể tiêu diệt cứ điểm vững chắc do trên dưới một tiểu đoàn phòng thủ (Nghĩa Lộ, Măng Đen)[25], cho nên bài toán tập đoàn cứ điểm như Hòa Bình, Nà Sản là quá sức đối với bộ đội vào thời điểm đó. Chiến thuật thích hợp được vận dụng trong chiến dịch Hòa Bình đó là bao vây, cô lập tập đoàn cứ điểm, cắt đứt nguồn tiếp tế hậu cần (“cắt cuống họng” của tập đoàn cứ điểm), buộc đối phương phải tự rút lui[26], còn đối với tập đoàn cứ điểm Nà Sản là lối đánh tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh dài ngày, góp nhiều chiến thắng nhỏ thành một chiến thắng lớn[27]. Đó là các bài học xương máu góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch ĐBP về sau.

Chiến cuộc 1953-1954 là giai đoạn trưởng thành nhanh chóng của QĐNDVN về nhiều mặt, tự khắc phục những khó khăn, hạn chế trong các chiến dịch trước để vươn lên. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến QĐNDVN có thể tổ chức cùng lúc nhiều chiến dịch tương đối lớn, nối tiếp nhau trong một khoảng thời gian dài và trên một diện chiến trường rộng khắp Đông Dương như vậy. Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đã kế thừa, tổng hợp và phát huy lên đến đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thể hiện tập trung nhất trong chiến dịch cuối cùng: chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tập đoàn cứ điểm ĐBP là hình thức “chiến tranh pháo đài” cổ điển của phương Tây, nơi lực lượng phòng thủ tập trung binh lực mạnh nhất tại một vị trí quan trọng nhằm thu hút chủ lực đối phương (“chiếc nhọt tụ độc”) vào một trận quyết chiến chiến lược để định đoạt thắng bại. Pháo đài ĐBP do 12.000 quân cố thủ (về sau được tăng cường lên 16.200 quân) với các trang bị vũ khí hiện đại, chiếm ưu thế tuyệt đối về tăng-thiết giáp, không quân so với bên tấn công. Về phía QĐNDVN tuy chiếm ưu thế về quân số (55.000 quân) nhưng lại bất lợi tuyệt đối về vũ khí, đạn dược, không quân so với quân đội Pháp. Nếu so với truyền thống “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” thì trong chiến dịch này, QĐNDVN đã đánh thẳng vào chỗ mạnh nhất nhưng có nhiều sơ hở của đối phương.

          Về phương châm tác chiến, chúng ta đã chủ động thay đổi từ “đánh nhanh, tiến nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để đảm bảo mục tiêu chắc thắng trong chiến dịch này. Bài học Nà Sản (1952) chỉ rõ, đối với hình thái phòng thủ tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp, lối đánh thích hợp với trình độ tác chiến của bộ đội ta là lối đánh “bóc vỏ”, tức đột phá lần lượt các cứ điểm, cụm cứ điểm tiến đến cả tập đoàn cứ điểm. Với lối đánh này, chiến dịch được chia làm nhiều đợt tác chiến (3 đợt), xen kẽ là các đợt nghỉ dưỡng sức, rút kinh nghiệm, vừa đánh vừa học. Bộ đội do vậy không mất sức trong chiến đấu mà vẫn có thể trưởng thành. Trái lại, đối phương bị vây đánh dài ngày sẽ càng mệt mỏi, chán nản và thương vong nhiều, suy yếu dần. Chiến dịch ĐBP kéo dài 56 ngày đêm, như Trường Chinh đã chỉ ra ngay từ đầu của cuộc kháng chiến: “Thời gian làm việc cho ta, thời gian là thầy chiến lược của ta” là hết sức chính xác.

          Về lựa chọn vị trí mở màn chiến dịch, ta chủ trương tấn công tiêu diệt ba cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo trước tiên. Đây là ba cứ điểm đột xuất thuộc Phân khu Bắc, nằm cách xa Phân khu Trung tâm chừng 2,5km, nếu có thể dứt điểm nhanh hai vị trí này trong đợt tấn công đầu tiên thì có thể loại trừ khả năng chi viện của đối phương[28]. Nghệ thuật chọn vị trí mở màn chiến dịch trong chiến dịch Biên giới (1950) chỉ rõ, trận mở màn có vai trò then chốt xuyên suốt toàn bộ chiến dịch, nơi ta cần phải tập trung lực lượng áp đảo, giải quyết nhanh, gọn, triệt để cứ điểm của đối phương, tạo điều kiện thuận lợi về đà chiến dịch lẫn tâm lý cho bộ đội đánh các trận sau. Trận Him Lam mở màn chiến dịch, QĐNDVN sử dụng lực lượng tấn công đông gấp 5 lần, trận Độc Lập-4,5 lần, trận Bản Kéo-3 lần, pháo cối chi viện trực tiếp gấp 10 lần so với lực lượng quân Pháp phòng thủ, tiêu diệt hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập, xé toang cánh cửa phía Bắc tập đoàn cứ điểm chỉ trong vòng 2 đêm đầu tiên (13 và 14/3). Điều này có tác dụng khuyến khích bộ đội hăng hái tác chiến trong khi lại gieo kinh hoàng và hoang mang cho bộ chỉ huy quân đội Pháp lẫn phương Tây[29].

          Về chiến thuật khoét sâu nhược điểm của đối phương, ta chủ trương cắt đứt sân bay Mường Thanh, con đường tiếp tế duy nhất cho tập đoàn cứ điểm. ĐBP là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân đội Pháp trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 1946-1954, tuy nhiên, bản thân nó lại có điểm yếu chết người. Nó được tổ chức tại một khu vực rừng núi hoang vu, cách xa hậu phương đồng bằng Bắc bộ hơn 500km, con đường tiếp tế duy nhất cho tập đoàn cứ điểm là đường không. Bài học Hòa Bình (1952) cho thấy, mặc dù không đủ sức tấn công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm nhưng QĐNDVN vẫn có thể buộc đối phương từ bỏ vị trí này bằng cách cô lập, cắt đứt tuyến hậu cần của nó. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, QĐNDVN bằng chiến thuật đào hào, vừa hạn chế được thương vong lại có thể áp sát đối phương, đã cắt đôi sân bay Mường Thanh, chiếc bao tử của 16.200 quân Pháp ở đây. Nhiệm vụ tiếp tế cho đội quân tại ĐBP trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với các phi công do hỏa lực của QĐNDVN đã áp sát và bắn một cách rất chính xác vào các máy bay đang làm nhiệm vụ thả dù tiếp tế. Mất sân bay Mường Thanh, số phận của tập đoàn cứ điểm đã bị định đoạt. Việc chiếm được sân bay Trung tâm “là một sự kiện nổi bật của chiến dịch, tạo một tình huống chiến dịch vô cùng quan trọng có lợi cho ta… tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ đây đã hoàn toàn cô lập”[30].

          Về tác chiến hiệp đồng binh chủng, chiến dịch ĐBP là chiến dịch tiến công lớn nhất bằng bộ đội binh chủng hợp thành ở trình độ cao (giữa bộ binh với pháo binh) của QĐNDVN. Trong chiến dịch Biên giới, bộ binh và pháo binh đã tiến hành tác chiến hiệp đồng nhưng đây vẫn là kiểu tác chiến mới mẻ đối với bộ đội lúc bấy giờ, hiệu quả phát huy còn thấp[31]. Mặc dù vậy, pháo binh ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng trong các trận đánh vào những căn cứ có công sự vững chắc của đối phương. Trong chiến dịch ĐBP, lần đầu tiên ta huy động hầu hết các loại pháo có trong tay, gồm 64 khẩu[32] (hỏa khí tập trung), riêng trận Him Lam đã được cấp đến 2.000 viên đạn (hỏa lực tập trung), phát huy tối đa lợi thế của hỏa lực áp đảo trong trận mở màn, tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội dứt điểm cứ điểm chỉ trong vòng 1 đêm.

          Thứ ba, một khối lượng vật chất to lớn cùng hệ thống đường tiếp vận và đội ngũ dân công đông đảo hơn bất cứ chiến dịch nào trước đó, đã được huy động để phục vụ chiến dịch ĐBP.

Image          Trong chiến dịch Biên giới, việc lần đầu tiên huy động một lực lượng tương đương cấp đại đoàn vào một chiến dịch dài ngày, thêm vào đó là sự thay đổi mục tiêu từ tấn công thị xã Cao Bằng sang tấn công cứ điểm Đông Khê cách đó 45km về phía Nam, đã đặt ra cho lực lượng cung cấp hậu cần chiến dịch nhiều khó khăn[33]. Thực tế, chúng ta không lường hết được những khó khăn về mặt hậu cần trên một địa bàn rừng núi hiểm trở như Đông Khê, cho nên trong quá trình phục kích hai binh đoàn Lepage và Charton từ Thất Khê lên giải vây, đại đoàn 308 đã không đủ gạo để nằm chờ, buộc phải điều lực lượng đi tải gạo, do vậy làm mất cơ hội phục kích khi hai đoàn quân nói trên lọt vào trận địa[34]. Đến chiến dịch Tây Bắc (tháng 10 đến tháng 12-1952), sau đợt 1, vùng giải phóng được mở rộng quá nhanh khiến tuyến tiếp vận bị kéo dài thêm hàng trăm km, hậu cần phía sau đưa lên không kịp. Ngay sau đợt 1, bộ đội đã rơi vào tình trạng thiếu gạo. Lúc này ta mới quyết định bỏ con đường tiếp vận qua đèo Khâu Vác vào Nghĩa Lộ vốn hiểm trở để chuyển sang con đường 13 vận chuyển bằng cơ giới. Các sáng kiến như vận chuyển gạo bằng xe đạp thồ từ Thanh Hóa ra mặt trận cũng được phát huy, tuy nhiên, việc này đã làm chậm bước tiến của bộ đội, buộc ta phải kết thúc chiến dịch sớm hơn dự định và không tấn công được Nà Sản[35].

Rút kinh nghiệm những khó khăn về mặt hậu cần, trong chiến dịch ĐBP, Đảng và Bộ Tổng chỉ huy đã tìm mọi cách huy động cho bằng được đáp ứng nhu cầu của bộ đội tại mặt trận. Công tác hậu cần lần đầu tiên được phân làm hai tuyến (tuyến hậu phương và tuyến tiền phương), các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đã được phải đi các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt việc huy động hậu cần. Đây thực sự là một trận chiến giữa hai bên trước khi tiếng súng ĐBP nổ ra. Sau khi Lai Châu được giải phóng, quân Pháp chỉ còn giữ được mỗi lòng chảo Mường Thanh, toàn bộ vùng Tây Bắc rộng thênh thang do ta làm chủ. Điều đó giúp chúng ta có nhiều thuận lợi trong việc huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Cuộc cải cách ruộng đất được phát động ở đồng bằng từ 1953 đã tạo cho nông dân lòng tin vào chiến thắng, khuyến khích họ nỗ lực đóng góp cho mặt trận. Nhiều tuyến đường vận tải, cả đường bộ lẫn đường sông, cũng được mở mới và bảo vệ trước sự tấn công của máy bay đối phương. Tại mặt trận, các chiến sĩ còn được khuyến khích tăng gia ở hậu cứ mỗi đơn vị, trồng rau ngắn ngày, hái rau rừng, bắt cá suối… Tổng cộng, hậu phương đã huy động cho chiến dịch 20.584 tấn gạo, 33.500 dân công với 4,7 triệu ngày công, 2.724 xe đạp thồ, 2.673 thuyền, 17.400 ngựa, đảm bảo cho 55.000 quân tác chiến trong gần 2 tháng tại Điện Biên Phủ[36]. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả dân tộc Việt Nam trong chiến cuộc 1953-1954 đã thật sự kề vai chiến đấu đánh bại quân đội xâm lược, giành lại độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Nếu như trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, hình thái chiến tranh chủ yếu của QĐNDVN là chiến tranh du kích, với lối đánh phục kích/tập kích trên địa hình rừng núi hiểm trở, đánh nhỏ thắng chắc, thì trong chiến dịch ĐBP, QĐNDVN đã cho thấy khả năng trưởng thành vượt bậc về mọi mặt. Chiến dịch ĐBP là chiến dịch công kiên lớn nhất vào một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh nhất, kiên cố nhất của thực dân Pháp tại Đông Dương. Mặc dù ĐBP thuộc vùng rừng núi, nhưng địa bàn chiến dịch lại nằm trong lòng chảo Mường Thanh tương đối bằng phẳng và rộng. Do vậy, trận quyết chiến chiến lược tại ĐBP có thể được xem như một trận đánh thuộc loại hình chiến tranh quy ước, nơi hai đội quân dàn lực lượng đối diện nhau trên chiến trường. Chiến dịch ĐBP còn là trận tiêu diệt lớn nhất và dài ngày nhất, diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm. Trong trận ĐBP, QĐNDVN đã loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ 16.200 quân Pháp và phương tiện chiến tranh phòng thủ tập đoàn cứ điểm, đạt hiệu suất tuyệt đối 100%. Đây là hiện tượng độc nhất trong lịch sử quân sự thế giới hiện đại. So với các sở trường của QĐNDVN như đã nêu trên thì chiến dịch ĐBP đã thể hiện nhiều nét phát triển đặc biệt và vượt trội, xứng đáng là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Điều đó gắn liền với sự chỉ đạo sáng suốt của toàn Đảng và Bộ Tổng chỉ huy do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và tài thao lược xuất chúng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuyên suốt 9 năm kháng chiến ròng rã.

Chiến thắng ĐBP còn là thắng lợi trước đó chưa từng có của một dân tộc thuộc địa đánh bại quân đội xâm lược chính quốc, mở ra hy vọng và thời cơ cho một loạt các nước thuộc địa trên thế giới dũng cảm đứng lên giành lại quyền độc lập của mình. Năm 1960, tức 16 năm sau khi ĐBP diễn ra, âm hưởng của vũ công này của nhân dân Việt Nam còn lan tỏa và làm chấn động thế giới thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ ở châu Phi, cổ vũ 16 quốc gia châu lục này giành lại độc lập. Việt Nam – ĐBP – Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp do vậy đã trở thành biểu tượng của tinh thần chống chủ nghĩa thực dân phương Tây trên toàn thế giới thứ ba.

Chiến thắng ĐBP đã đánh bại nỗ lực cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại chiến trường Đông Dương, là khúc ca khải hoàn khép lại cuộc kháng chiến thần thánh lần thứ nhất của dân tộc Việt Nam, đồng thời mở ra mốc phân định cho cuộc kháng chiến thần thánh lần thứ hai của toàn dân tộc chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những kinh nghiệm, bài học quý báu của chiến dịch ĐBP, kết quả và là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là những di sản vô giá để tiếp tục được kế thừa và phát huy lên một tầm cao mới trong trận đọ sức mới của dân tộc trong suốt hơn 20 năm tiếp theo.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hội thảo The Dien Bien Phu campaign: A international Perspective, Hà Nội, ngày 6-7/5/2014.

* Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN.

[1] Ban đầu được gọi là “quần chúng chiến tranh”.

[2] Sau tháng 12-1946, về cơ bản các thành phố do thực dân Pháp kiểm soát, còn vùng rừng núi do cách mạng làm chủ. Quá trình phát động chiến tranh du kích rộng khắp 1948-1950 đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng vùng giải phóng. Đến đầu những năm 1950, cách mạng đã làm chủ được những khu vực rộng lớn, kể cả đồng bằng lẫn rừng núi, để từ đó, chương trình cải cách ruộng đất đã mang lại cho cách mạng nguồn tiếp tế vô tận. Điều này được thể hiện rất rõ trong chiến dịch ĐBP.

[3] Ngay từ ngày 23-3-1945, de Gaulle đã ra bản tuyên bố về vấn đề Đông Dương mà nội dung chủ yếu nhằm tái lập một Liên bang Đông Dương gồm năm nước do một viên Toàn quyền Pháp điều khiển. (Xem Philippe Devillers (2003), Paris-Sàigòn-Hà Nội. Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.70-71).

[4] Stein Tonnesson (2013), Việt Nam 1946. Chiến tranh đã bắt đầu như thế nào?, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.94-106.

[5] Hồi ký của Raoul Salan, dẫn lại theo Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập X: 1945-1950, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.322.

[6] Viện Lịch sử quân sự (1995), Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945-1975, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.50-51.

[7] Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.162.

[8] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử, in trong Võ Nguyên Giáp (2011), Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.871-872.

[9] Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.162.

[10] Khoảng 70 tiểu đoàn các loại buộc phải phân tán rải rác để bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở Đông Dương, khối chủ lực cơ động của Navarre trên chiến trường Bắc bộ bị giảm đi quá nửa. Xem Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.192.

[11] Lực lượng đông đảo nhất tại Hà Nội cũng chỉ có 5 tiểu đoàn chiến đấu với 6.000 quân Pháp (tương đương 6 tiểu đoàn)

[12] Các loại vũ khí của Vệ Quốc đoàn trước giờ nổ súng Toàn quốc kháng chiến gồm 1.516 súng trường, 7 pháo cao xạ 75mm của các pháo đài do Pháp để lại được sử dụng làm pháo mặt đất, 1 sơn pháo 75mm, 1 pháo chống tăng 75mm, 1 pháo chống tăng 25mm. Số đạn còn lại rất ít, tất cả đều không có máy ngắm và dụng cụ đo đạc. (Vương Thừa Vũ (1964), Hà Nội 60 ngày khói lửa, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.170).

[13] Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.53.

[14] Kể từ 1949, QĐNDVN phát triển mạnh và dần tiến tới ổn định cơ cấu tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích). Kế tiếp đại đoàn 308, các đại đoàn mới lần lượt được thành lập như 304 (tháng 3-1950), 312 (tháng 12-1950), 320 (tháng 1-1951), 316 (tháng 5-1951), đại đoàn công pháo 351 – đại đoàn binh chủng đầu tiên của QĐNDVN (tháng 3-1951), đại đoàn 325 (tháng 12-1952) cùng nhiều trung đoàn chủ lực trực thuộc Bộ và các Liên khu.

[15] Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.87.

[16] Ngoại trừ đại đoàn 325 đứng chân ở Trung bộ, Bộ đã sử dụng 4/6 số đại đoàn vào chiến dịch Hòa Bình. Đặc biệt, kể từ khi được thành lập, đại đoàn công pháo 351 luôn là cánh tay hỗ trợ đắc lực cho các đại đoàn khác trong mọi chiến dịch. Phối hợp với mặt trận Hòa Bình, hai đại đoàn 316 và 320 có trách nhiệm tiến sâu vào vùng địch hậu, phát động chiến tranh du kích, mở rộng các căn cứ du kích, tạo thế mới cho ta ở vùng tạm chiếm.

[17] Bác Hồ đã ví von hình ảnh này trong hai câu thơ “Nực cười châu chấu đá voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”.

[18] Trong trận này, thay vì tấn công một vị trí đã được đối phương củng cố (Đông Khê, Thất Khê), thì QĐNDVN chọn cách phục kích trên đoạn đèo Bông Lau hiểm trở, vốn là con đường hành quân của quân Pháp. Trong chiến dịch Việt Bắc, cấp được khen thưởng đầu tiên chính là cấp tiểu đoàn (Tiểu đoàn Bông Lau 374).

[19] Từ trong chiến đấu đã dần hình thành nên những đặc trưng cơ bản của quân đội cách mạng Việt Nam trong suốt 30 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đó là đánh mật tập, đánh ban đêm đánh nơi rừng núi.

[20] Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.51.

[21] Vả chăng, thị xã Cao Bằng được đánh giá là một vị trí đột xuất, nằm ở một đầu mút trên con đường số 4, nếu bị tấn công, khả năng Pháp sẽ hành quân cứu viện không cao. (Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.85).

[22] Đây là một trận đánh công kiên vào một vị trí do tương đương một tiểu đoàn phòng thủ, bố trí cẩn thận. Lực lượng tấn công đông gấp 9 lần lực lượng phòng thủ tuy nhiên vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn, trận đánh kéo dài (3 ngày) với thương vong lớn ngoài dự kiến. Xem Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, in trong Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, sđd, tr.644-647.

[23] Việc đánh bại hai đạo quân của Lepage và Charton lên cứu nguy cho Đông Khê và Cao Bằng về cơ bản vẫn là một trận phục kích quy mô đại đoàn trên địa hình đồi núi hiểm trở.

[24] Cuối tháng 12-1951, Pháp xây dựng thị xã Hòa Bình thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố với 6 tiểu đoàn bộ binh có trận địa pháo, sân bay, ngoài ra còn có 2 tiểu đoàn khác đóng rải dọc đường 6. Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.127.

[25] Trong các trận này, phía tấn công đều phải sử dụng lực lượng gấp nhiều lần đối phương và đều phải chịu thương vong lớn. Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, in trong Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, sđd, tr.827-829; Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.181-184.

[26] Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.128-133.

[27] Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.160-161.

[28] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử, in trong Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, sđd, tr.989-991.

[29] Viên đại tá phụ trách pháo binh tập đoàn cứ điểm Piroth đã tự sát khi không thể phản công lại pháo binh của đối phương, thậm chí còn không thể xác định được vị trí của pháo đối phương ở đâu.

[30] Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.203.

[31] “Tuy nhiên, việc sử dụng hỏa lực và hợp đồng bộ binh – pháo binh còn nhiều khuyết điểm, nhất là trong ngày đầu: hỏa khí tập trung nhưng mỗi lần bắn, chỉ bắn 1 khẩu; về mặt hợp đồng thì bộ binh và pháo binh hành động không ăn khớp (pháo bắn sau 2 giờ xung kích mới lên)”. Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.101. Phối hợp với bộ binh trong chiến dịch này có 13 khẩu sơn pháo và ĐKZ.

[32] So với 48 khẩu pháo của Pháp, nhưng ta kém hơn về cơ số đạn dự trữ.

[33] Hình thức vận chuyển lương thực, đạn dược chủ yếu là bằng xe đạp thồ, gùi, quang gánh.

[34] Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.89; Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, in trong Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, sđd, tr.649-650.

[35] Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, in trong Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, sđd, tr.830-831; Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.146-147. Tổng khối lượng hậu cần huy động cho chiến dịch này gồm 9.360 tấn gạo, 164 tấn muối, 195 tấn thịt, 71 tấn thực phẩm các loại, 33 tấn đạn, 194.400 dân công với khoảng 7 triệu ngày công. Lê Mậu Hãn (cb) (2013), Lịch sử Việt Nam, tập IV, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.144.

[36] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử, in trong Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, sđd, tr.972-976; Viện Lịch sử quân sự, sđd, tr.217-219; Lê Mậu Hãn, sđd, tr.158.

Leave a comment

Filed under Nghiên cứu - Trao đổi

Leave a comment